Đặc biệt chú trọng công tác vận hành hồ chứa thủy điện trước bão số 8

Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, chiều ngày 12/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về việc ứng phó với bão.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
 
Tham dự cuộc họp các đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Nam. Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn.
 
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường rà soát công việc, nhiệm vụ được giao để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều. Hiện nay nhiều hồ đập đã đủ nước, vì thế phải cho người thường trực, có biện pháp, chuẩn bị sẵn sàng vật tư thiết bị cần thiết.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, thực hiện theo đúng quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa; chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị sẵn sàng; phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, khôi phục hệ thống điện nếu có mưa bão tác động.
 
Các địa phương rà soát, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân cư khu vực trũng thấp, cửa sông, ven biển đến nơi an toàn. Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng. Sẵn sàng tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
 
Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ, đảm bảo an toàn hạ lưu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
 
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, ngày 9/10, bão Kompasu hình thành phía Đông Philippin. Đêm 11/10, bão Kompasu vào biển Đông với cường độ cấp 10, 11, giật cấp 13 và trở thành bão số 8. Hồi 15h ngày 12/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km, cách Nghệ An – Hà Tĩnh 1.180km; di chuyển nhanh 25-30km/h.
 
Dự báo bão số 8 di chuyển nhanh, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12-13/10 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Dự kiến đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14/10.
 
Theo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Hiện tại các hồ chứa khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng đều đang thực hiện theo quy trình tại Quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa. Dung tích phòng lũ còn lại của các hồ chứa thủy điện này trong khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khoảng 6,12 tỷ m3 (đây là dung tích phòng lũ lớn).
 
Đối với công tác vận hành lưới điện, hiện nay hệ thống lưới điện đang vận hành bình thường. Tập đoàn tiếp tục tổ chức khẩn trương khắc phục sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra và thống kê, báo cáo thiệt hại khi bị ảnh hưởng.
 
Tại cuộc họp, EVN kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT chỉ đạo chính quyền địa phương hỗ trợ, phối hợp với EVN trong việc vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây trong đô thị trước mùa mưa bão, trước khi bão đổ bộ. Hỗ trợ phối hợp tuyên truyền bảo vệ tài sản của ngành Điện, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Phối hợp trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão, đặc biệt kiểm tra các thiết bị sử dụng điện trong quá trình khôi phục cấp điện trở lại sau bão hoặc khu vực ngập sâu trước khi sử dụng lại.
 
Internet